Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, các vụ “quân ta bắn quân mình” và khó khăn trong giao tiếp đang làm giảm hiệu quả của các hoạt động tác chiến chung giữa quân đội Nga và Triều Tiên ở vùng Kursk.
Rào cản ngôn ngữ đã dẫn tới việc giao tiếp không hiệu quả khiến quá trình phối hợp các hoạt động chiến đấu giữa quân đội hai nước trở nên khó khăn, điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh các cuộc tấn công bộ binh dữ dội mà các đơn vị Triều Tiên tham gia.
Theo ISW, những vấn đề như vậy mang tính hệ thống và sẽ tiếp tục trong thời gian tới, làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu chung của các lực lượng trong khu vực.
Báo cáo có đoạn: “Rào cản ngôn ngữ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tương tác giữa các lực lượng Triều Tiên và Nga, dẫn đến những sai sót như hỏa lực thân thiện (bắn nhầm) và làm gián đoạn sự phối hợp chung của các hoạt động”.
Theo Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR), quân đội Triều Tiên đã bắn nhầm vào xe của lực lượng đặc nhiệm Chechnya “Akhmat”, khiến một số quân nhân Nga thiệt mạng.
ISW cho biết: “GUR báo cáo rằng một nhóm quân nhân Nga và Triều Tiên ở khu vực Kursk đã mất 200 người tính đến ngày 14/12 do một cuộc tấn công của máy bay không người lái Ukraine vào các vị trí của quân đội Triều Tiên. Sự kết hợp kém và các vấn đề liên lạc dai dẳng giữa các lực lượng Nga và Triều Tiên có khả năng sẽ tiếp tục gây ra sự căng thẳng trong các hoạt động quân sự của Nga ở khu vực Kursk trong thời gian tới”.
Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc, song mặt khác khẳng định ngay cả khi lính Triều Tiên được triển khai đến Nga theo hiệp ước chung giữa hai nước, điều đó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Moscow khẳng định, hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào bên thứ ba nào.
Theo hãng thông tấn KCNA, Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga, được lãnh đạo hai nước ký kết hồi tháng 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 4/12.
Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên “ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có” nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.
Theo KCNA, hiệp ước cũng sẽ “đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thiết lập một trật tự thế giới độc lập, công bằng, đa cực mà không có sự thống trị, khuất phục và bá quyền.
Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên khiến Ukraine và phương Tây lo ngại. Theo các nguồn tin, đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden quyết định cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 15/12 của ISW:
Thứ nhất, quân đội Nga đã thực hiện một cuộc tấn công cơ giới với quy mô cấp tiểu đoàn theo hướng Seversk sau những báo cáo gần đây về sự thay đổi chỉ huy mặt trận.
Thứ hai, cuộc tấn công gần đây vào Seversk cho thấy rằng quân đội Nga dường như đang học cách tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn lâu mới lấy lại được khả năng cơ động trên chiến trường.
Thứ ba, quân đội Triều Tiên được cho là đang phải chịu thương vong nặng nề và liên lạc kém với các lực lượng Nga ở khu vực Kursk, điều này có khả năng làm gián đoạn sự phối hợp giữa quân đội Nga và Triều Tiên và làm suy yếu các hoạt động quân sự của Moscow.
Thứ tư, kế hoạch trước mắt của Nga đối với các tài sản quân sự của mình ở Syria vẫn chưa rõ ràng, vì các báo cáo liên tục xuất hiện rằng Moscow đã đạt được các thỏa thuận để duy trì các căn cứ quân sự chính của mình ở phía tây Syria trong khi rút quân khỏi các căn cứ khác ở nước này.
Thứ năm, quân đội Nga đã tiến gần Seversk, Toretsk, Pokrovsk và Ugledar.
Thứ sáu, các nguồn tin của Nga tiếp tục phàn nàn về hệ thống đào tạo không đầy đủ của quân đội nước này và các huấn luyện viên quân sự kém năng lực.
Theo: Dân Trí