Trẻ nên ăn gì để bổ sung vitamin A?

Trung bình một đứa trẻ sinh ra thường nặng từ 3kg đến 4kg, đến khi tròn 5 tuổi, cân nặng trung bình lần lượt là 18,3kg đối với trẻ trai và 18,2kg đối với trẻ gái. Đến 19 tuổi, cân nặng trung bình của nam giới là 59,5kg và nữ giới là 53,6kg.

Như vậy, trong giai đoạn 5 năm đầu đời, cân nặng của trẻ tăng khoảng 5 lần, trong khi ở giai đoạn 16 năm tiếp theo (từ 5 đến 19 tuổi) cân nặng của người trưởng thành tăng chỉ khoảng 4 lần. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tốc độ tăng trưởng nhanh và quan trọng của trẻ em trong 5 năm đầu đời.

Giai đoạn dưới 5 tuổi là thời điểm trẻ rất dễ bị tổn thương trước các bệnh nhiễm trùng và các vấn đề về dinh dưỡng do hệ tiêu hóa, miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.

Trẻ nên ăn gì để bổ sung vitamin A? - 1

Các thực phẩm giàu vitamin A (Ảnh: Gettyimages).

Trẻ phải trải qua các giai đoạn chuyển tiếp về dinh dưỡng và phát triển (từ bào thai ra môi trường bên ngoài, từ bú sữa mẹ hoàn toàn sang chế độ ăn bổ sung và ăn cùng gia đình).

Trẻ cũng tăng nhạy cảm với môi trường và các tác nhân bên ngoài hơn người trưởng thành.

Do đó, đây là đối tượng dễ bị tổn thương với bệnh tật và thiếu dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng, bao gồm thiếu vi chất dinh dưỡng lại làm trầm trọng hơn tình trạng và mức độ bệnh của trẻ. 

Trong số các vi chất dinh dưỡng thiết yếu, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ. Vitamin A không chỉ được biết đến với khả năng bảo vệ đôi mắt, giúp trẻ có thị lực tốt mà còn là nhân tố thiết yếu để:

– Tăng cường hệ miễn dịch: Giúp cơ thể trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phổi, tiêu chảy và sởi.

– Ngăn ngừa mù lòa: Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng ngừa được ở trẻ em.

– Hỗ trợ sự phát triển: Vitamin A tham gia vào quá trình hình thành và tái tạo tế bào, giúp trẻ tăng trưởng khỏe mạnh.

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch thông qua nhiều cơ chế sinh học.

Dưới đây là các cách mà vitamin A hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật:

Vitamin A duy trì tính toàn vẹn của màng nhầy

Vitamin A cần thiết để duy trì và tái tạo các tế bào biểu mô, đặc biệt là ở da, đường hô hấp, đường tiêu hóa và hệ tiết niệu. Lớp biểu mô khỏe mạnh hoạt động như một hàng rào vật lý chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh.

Vitamin A cũng hỗ trợ sản xuất các chất nhầy có chứa kháng khuẩn (như lysozyme), giúp loại bỏ các mầm bệnh khỏi bề mặt niêm mạc.

Vitamin A kích thích sản xuất và tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch

Vitamin A cần thiết để biệt hóa các tế bào tiền thân thành tế bào lympho T hiệu quả, giúp cơ thể nhận diện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Vitamin A hỗ trợ sản xuất kháng thể từ tế bào B, đặc biệt là IgA, một loại kháng thể bảo vệ bề mặt niêm mạc.

Vitamin A tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào và bạch cầu hạt, tăng cường khả năng tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ tế bào nhiễm bệnh.

– Vitamin A điều hòa đáp ứng miễn dịch

Vitamin A đóng vai trò như một chất điều hòa miễn dịch tự nhiên, giúp cân bằng giữa đáp ứng miễn dịch bẩm sinh (tức thời, không đặc hiệu) và thích nghi (đặc hiệu, lâu dài). Retinoic acid, một dạng chuyển hóa của vitamin A, hỗ trợ biệt hóa tế bào T điều hòa (T-reg), ngăn chặn các phản ứng viêm quá mức và tự miễn dịch.

– Vitamin A kích thích sản xuất cytokine IL-2 để kích hoạt và nhân đôi tế bào T, điều chỉnh IL-6 và TNF-α, góp phần kiểm soát viêm và chống lại nhiễm trùng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin A giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi và sởi, tăng tỷ lệ sống sót ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc nhiễm bệnh khi được bổ sung vitamin A.

Do đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu vitamin A có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy giảm thị lực, đặc biệt là chứng quáng gà và nguy cơ mù lòa vĩnh viễn và tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi trẻ bị sởi hoặc tiêu chảy.

Để bảo vệ trẻ em dưới 5 tuổi, các bậc cha mẹ và cộng đồng cần đặc biệt chú trọng phòng chống thiếu vitamin A bằng cách duy trì chế độ ăn giàu vitamin A và đưa trẻ đến cơ sở y tế để bổ sung vitamin A liều cao định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Chế độ ăn của trẻ cần được cung cấp các thực phẩm giàu vitamin A tự nhiên. Vitamin A có mặt trong hai dạng chính là vitamin A hoạt động (retinol) có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và tiền vitamin A (beta-carotene) có trong thực phẩm nguồn gốc từ thực vật.

Các thực phẩm từ động vật giàu vitamin A bao gồm:

– Gan động vật (như gan gà, bò, lợn) là nguồn vitamin A dồi dào nhất, nhưng không nên ăn quá nhiều (1-2 lần/tháng).

– Trứng: một quả trứng gà có thể cung cấp khoảng 75 mcg vitamin A.

– Sữa và các sản phẩm từ sữa: Ưu tiên sữa bổ sung vi chất hoặc sữa nguyên kem.

Các thực phẩm từ thực vật giàu beta-carotene bao gồm:

– Rau màu xanh đậm như rau ngót, rau bina (cải bó xôi), rau dền.

– Củ quả màu cam, đỏ như cà rốt, bí đỏ, khoai lang vàng, đu đủ, xoài.

– Các loại dầu thực vật bổ sung vitamin A.

Chế độ ăn cần được kết hợp thực phẩm giàu chất béo vì vitamin A là vitamin tan trong dầu, nên cần có chất béo để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Hãy bổ sung một lượng nhỏ dầu hoặc mỡ vào món ăn của trẻ bằng cách xào rau với dầu ăn giàu vitamin A hoặc cho một ít dầu ăn hoặc bơ vào cháo hoặc súp cho trẻ.

Ngoài chế độ ăn, tại Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức các chiến dịch bổ sung vitamin A miễn phí cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm. Phụ huynh nên đưa trẻ đi uống vitamin A đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

TS Hoàng Thị Đức Ngàn

Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế

Theo: Dân Trí