Chiều nay (12/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, đã có những điểm sáng và bài học kinh nghiệm trong phát triển điện, như việc triển khai thần tốc đường dây 500 kV mạch 3 với tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt và không đội vốn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ và chưa được đưa vào khai thác sử dụng. Thủ tướng cho rằng nguồn lực này rất lớn và cần nhanh chóng triển khai để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng cho biết việc phát triển năng lượng điện mặt trời và điện gió đã triển khai nhanh chóng và tích cực, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và sai phạm.
Việc chậm trễ trong khai thác các dự án sẽ gây lãng phí lớn đối với nguồn lực xã hội và không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Thủ tướng khẳng định việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải được thực hiện công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà hay sách nhiễu. Chính phủ đã ra chủ trương tháo gỡ, và các địa phương phải cùng với doanh nghiệp giải quyết khó khăn, nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực và tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng nếu ai chạy chọt, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm khắc.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.
Gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Ngày 7/12, Chính phủ đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện đạt 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện lũy kế năm đạt khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện.
Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện 8, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo: Dân Trí