Yêu cầu liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng được nêu tại Nghị quyết 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) là 2 ngân hàng yếu kém chưa có phương án xử lý sau gần chục năm tái cơ cấu.
Trong khi đó, 2 ngân hàng “0 đồng” là CBBank và OceanBank tháng 10 vừa rồi đã được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Mới nhất, theo thông báo từ MB, Oceanbank sẽ đổi tên thành MBV từ 18/12 và có chủ tịch, tổng giám đốc mới đều là nhân sự của MB.
Cũng tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đơn vị này được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Cùng với đôn đốc sớm trình phương án chuyển giao ngân hàng yếu kém, Chính phủ còn giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ phải nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển kinh tế.
Chính phủ giao cơ quan này tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024.
Theo: Dân Trí