Ngày 12/12, nhà báo Ngô Bá Lục đã giới thiệu tản văn có tựa đề Vằng vặc trăng quê. Đây là cuốn sách thứ 3 của anh viết về những ký ức xưa cũ với những phong tục tập quán đậm chất Bắc Bộ.
Tại sự kiện, nhà báo Ngô Bá Lục cho biết, 1.000 cuốn sách đã được bán hết ngay trước buổi ra mắt, tất cả do độc giả mua trên trang cá nhân của anh.
Vằng vặc trăng quê không chỉ kể chuyện đời thường, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của một vùng quê đậm chất Bắc Bộ.
Ngô Bá Lục viết bằng lối văn giản dị, chân chất, phản ánh đúng bản chất “chân quê” của anh. Độc giả cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc, đôi khi “ngây ngô” trong câu chữ, nhưng đó chính là điểm thu hút, là sợi dây kết nối cảm xúc giữa tác giả và người đọc.
“Ngoài những câu chuyện đời thường như đi cày, đi cấy, cắt cỏ, trồng màu – những thứ đã gắn chặt với người nông dân bao năm nay, thì tôi viết nhiều về Tết Nguyên đán thông qua những kỷ niệm thực tế của bản thân.
Tôi muốn viết về Tết xưa, để người lớn có thể hồi tưởng lại quá khứ, mang lại những cảm xúc đẹp cho họ; còn với người trẻ, họ sẽ có một hình dung cơ bản về cái Tết Nguyên đán, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu Tết cổ truyền của dân tộc”, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, Vằng vặc trăng quê còn góp phần lan tỏa giá trị nhân văn.
Toàn bộ doanh thu từ cuốn sách sẽ được dành cho quỹ Gió đồng, do nhà báo Ngô Bá Lục thành lập từ năm 2016. Quỹ này đã duy trì hoạt động từ thiện, như tặng quà Tết cho bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào chiều 30 Tết, hay hỗ trợ trẻ em khó khăn suốt nhiều năm qua.
“Quỹ được lập từ tiền bán cuốn sách Gió đồng hun hút và tôi muốn tiếp tục dùng tiền từ sách để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, anh cho biết.
Năm 2015, Ngô Bá Lục ra mắt cuốn tản văn đầu tay Gió đồng hun hút, tạo được tiếng vang khi bán hết 2.000 cuốn chỉ sau 3 tháng phát hành.
Năm 2020, anh tiếp tục với cuốn Hoài niệm Tết quê xưa, tái hiện những cái Tết xưa, khơi gợi kỷ niệm đẹp trong lòng độc giả.
Vằng vặc trăng quê đánh dấu mốc tròn 5 năm từ tác phẩm trước, tiếp nối mạch cảm xúc về làng quê, phong tục và Tết cổ truyền. Tản văn được Nhà xuất bản Dân trí ấn hành.
Theo: Dân Trí