Bệnh nhân hơn 80 tuổi phục hồi kỳ diệu sau ca đại phẫu tim mạch phức tạp

Sau cuộc đại phẫu ứng dụng đồng thời hai kỹ thuật: sửa van ba lá và triệt đốt rung nhĩ, đội ngũ y bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội) giúp người bệnh hồi phục sức khỏe một cách ngoạn mục.

Ca bệnh “van bị lãng quên” hiếm gặp

Ông Hàn Phú Dũng (81 tuổi, Quảng Ninh) có tiền sử hơn 20 năm sống chung với căn bệnh sa van tim bẩm sinh, phải phụ thuộc vào thuốc để duy trì sức khỏe. Theo thời gian, tác dụng của thuốc giảm dần, tình trạng bệnh của ông ngày càng nghiêm trọng. Chứng suy tim kéo dài, hở van ba lá, biến chứng rung nhĩ và từng bị tai biến nhồi máu não, thường xuyên khó thở, mệt mỏi, khiến bệnh nhân không thể tiếp tục điều trị bằng phương pháp nội khoa.

Tháng 11, ông Dũng nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, không thể thở bình thường hay tự di chuyển, mất khả năng nghe, nói. Các bác sĩ nhận định ông mắc sa van nghiêm trọng gây hở van ba lá ở mức độ cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Đây là một trường hợp hiếm gặp, còn được gọi là “van bị lãng quên”, do chưa có nhiều nghiên cứu và phương pháp điều trị tối ưu.

Việc phẫu thuật cũng mang tới nhiều thách thức do bệnh nhân tuổi đã cao, tình trạng tổn thương nghiêm trọng. Để giảm thiểu rủi ro, ca phẫu thuật không chỉ đòi hỏi thời gian thực hiện ngắn nhất, mà còn cần áp dụng kỹ thuật tối ưu, đảm bảo hiệu quả và thành công. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần triệt đốt rung nhĩ để xử lý rối loạn nhịp tim, loại bỏ nguy cơ tái phát nhồi máu não hoặc đột quỵ. Điều này đòi hỏi cả hai cuộc phẫu thuật phải được thực hiện trong cùng một ca mổ.

TS.BS Đặng Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch tại Vinmec cho biết, đội ngũ y bác sĩ đã áp dụng một kỹ thuật đặc biệt để sửa chữa van ba lá. Theo đó, các bác sĩ tạo hình lại van ba lá, chia thành hai lỗ van nhằm khôi phục chức năng. Ca phẫu thuật này còn kết hợp với kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ – phương pháp điều trị rung nhĩ bằng cách phá hủy các vùng mô trong tim gây ra rối loạn nhịp. Việc kết hợp hai kỹ thuật trong cùng một lần mổ giúp giải quyết bệnh lý tối ưu.

Bệnh nhân hơn 80 tuổi phục hồi kỳ diệu sau ca đại phẫu tim mạch phức tạp - 1

Ông Dũng và gia đình cùng bác sĩ trao đổi về tình trạng sức khỏe và kế hoạch phẫu thuật trước điều trị.

Bệnh nhân hồi phục với kết quả ngoạn mục

Dưới sự phối hợp nhịp nhàng giữa phẫu thuật viên cùng ê-kíp phẫu thuật, ca mổ diễn ra an toàn trong thời gian ngắn nhất có thể. Chỉ sau 4 giờ đồng hồ, cả hai kỹ thuật phức tạp đã được thực hiện thành công, bệnh nhân được rút ống thở sớm và hồi phục nhanh chóng.

“Tôi cảm thấy khỏe hơn, không còn khó thở hay mệt mỏi như trước. Sau mổ, tôi tưởng vừa mới ngủ dậy, không cảm thấy đau đớn gì, đúng như lời bác sĩ khẳng định”, bệnh nhân nói.

Chỉ sau gần một tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã xuất viện với kết quả ấn tượng: nhịp tim trở lại đều đặn, van ba lá khép kín và kích thước buồng tim về gần như bình thường.

“Khi đưa bố vào viện, gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất, không nghĩ bố có thể qua khỏi. Vậy mà như một giấc mơ, không những khỏe mạnh, bố còn có thể đi lại vững vàng và ăn uống tốt. Niềm vui này không gì sánh bằng”, con gái bệnh nhân chia sẻ.

Bệnh nhân hơn 80 tuổi phục hồi kỳ diệu sau ca đại phẫu tim mạch phức tạp - 2

Chỉ sau 1 tuần đại phẫu, ông Dũng đã có thể trò chuyện, tự đi lại và không cảm thấy đau đớn.

Từng trải qua ca phẫu thuật trước đây tại cơ sở y tế khác, con trai bệnh nhân cho biết sự hồi phục của bố mình là một kỳ tích: “Trước đây, tôi từng mổ tim, sửa van hai lá. Sau một tháng, tôi vẫn còn đau lắm và không làm được những việc mà bố tôi đã làm chỉ sau một tuần”.

Sau cuộc đại phẫu, bệnh nhân được đưa vào chương trình quản lý bệnh nhân sau phẫu thuật rung nhĩ, giúp theo dõi tình trạng sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng tiềm tàng.

Vinmec tiên phong áp dụng kỹ thuật giảm đau ESP trong phẫu thuật tim.

Kể từ tháng 11/2017, Hệ thống Y tế Vinmec đã tiên phong áp dụng kỹ thuật giảm đau ESP cho 100% các ca phẫu thuật tim mạch, đạt được kết quả vượt trội: không bệnh nhân nào cần opioid hay morphin sau mổ, không gặp biến chứng như tụ máu, tụt huyết áp hay ngộ độc thuốc tê. Trung bình, bệnh nhân có thể xuất viện chỉ sau 5-7 ngày và trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng một tháng, không còn cảm giác đau.

Theo: Dân Trí