Việc sử dụng UAV FPV trong lực lượng Ukraine và Nga được đánh giá là có hiệu quả tương đối thấp, với tỷ lệ thành công dao động từ 20% đến 40%, theo Robert Brovdi, chỉ huy trung đoàn riêng biệt chuyên về UAV tấn công có tên Madiar’s Birds.
Ông Brovdi, còn được biết đến với biệt danh “Madiar”, giải thích với Ukrinform: “Các hệ thống điện tử có thể bị hỏng, khiến UAV không phát nổ; nó có thể nổ trên đường đi; trong khi một tỷ lệ lớn bị vô hiệu hóa bởi các hệ thống tác chiến điện tử, và một số bị bắn rơi bằng vũ khí hạng nhẹ. Hiệu suất của máy bay không người lái FPV trong Lực lượng Vũ trang Ukraine và phía Nga chỉ đạt 20-40%”.
Ông Madiar làm rõ rằng con số này chỉ tính đến những trường hợp khi UAV thành công tiếp cận mục tiêu, tấn công và hiệu quả được ghi nhận đầy đủ.
Sau gần 3 năm chiến sự nổ ra, cả Nga và Ukraine đang trong một cuộc đua kiểu “mèo vờn chuột” về công nghệ, đặc biệt là UAV FPV.
Các bên sẽ liên tục tung các UAV mới tới tiền tuyến, thực hiện các chiến thuật tấn công mới và phía còn lại sẽ nghiên cứu cách đối phó, đánh chặn, tạo ra thế đuổi bắt lẫn nhau. Quá trình này diễn ra liên tục do UAV đang được xem là vũ khí quan trọng hàng đầu trong chiến sự Nga – Ukraine.
Nga có một đội UAV khổng lồ của riêng họ, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử tinh vi có thể làm gián đoạn tín hiệu của máy bay không người lái được điều khiển từ xa và khiến đạn dẫn đường đi chệch hướng.
Tương tự như vậy, Ukraine cũng đặt ra mục tiêu phát triển hàng triệu UAV mỗi năm cũng như biện pháp tác chiến điện tử trên tiền tuyến để đánh chặn vũ khí của Nga.
Thừa nhận của binh sĩ Ukraine cho thấy thế trận giằng co về mặt công nghệ giữa 2 bên để đạt được ưu thế trên chiến tuyến.
Giờ đây, cả Nga và Ukraine đều liên tục cải tiến công nghệ và đã hé lộ về những dòng UAV mới.
Ví dụ, Ukraine đang tập trung phát triển thêm UAV lai tên lửa cho phép nó bay nhanh hơn và tấn công tầm xa hơn, đe dọa các mục tiêu của Nga.
Trong khi đó, Nga chế tạo UAV FPV có chế độ “ngủ đông” và đặt sẵn trên các tuyến đường di chuyển của Ukraine nhằm chờ cơ hội phục kích. Những UAV loại này có khả năng “ngủ đông” tính bằng tháng và không phát ra tín hiệu liên lạc, khiến thiết bị tác chiến điện tử không thể bắt được tín hiệu. Khi mục tiêu xuất hiện, UAV sẽ được kích hoạt trong thời gian rất ngắn, qua mặt các biện pháp đánh chặn của đối phương.
Ngoài ra, giới quan sát dự đoán, trong thời gian tới, UAV có thể trở nên nguy hiểm hơn nữa khi chúng được trao thêm nhiều quyền chủ động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Vai trò của người điều khiển có thể sẽ giảm đi, mở đường cho việc UAV chủ động hơn trong việc tấn công, rút ngắn hơn nữa thời gian phục kích mục tiêu.
Trong một cuộc chiến mà công nghệ đóng vai trò ngày càng lớn, cả Nga và Ukraine phải liên tục thích nghi với những chiến thuật mới của đối phương.
Theo: Dân Trí