Thông tin với phóng viên Dân trí ngày 16/12, đại diện Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư có độ ác tính rất cao, gây biến chứng nặng.
Cắt thận sau khi tiểu ra máu
Bệnh nhân là ông N.V.Th. (66 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ hông phải kèm tiểu ra máu dai dẳng trong 1 tháng, được điều trị nội khoa nhưng không đỡ. Bản thân người đàn ông có di chứng tai biến mạch máu não gây yếu nửa người, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đáng chú ý, bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá khoảng 1 gói/ngày trong thời gian dài. Những năm gần đây vì sức khỏe suy giảm, ông giảm dần tần suất hút thuốc, và hiện đã ngưng thuốc lá.
Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, ông Th. được làm các khảo sát hình ảnh, ghi nhận tổn thương trong lòng đài bể thận phải, nghĩ nhiều là u niệu mạc. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn với lãnh đạo khoa Ngoại tiết niệu, lên kế hoạch nội soi niệu quản phải, sinh thiết bướu niệu mạc.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, khối u của bệnh nhân là carcinoma niệu mạc dạng nhú độ cao. Đây là một loại ung thư có độ ác tính cao của đường tiết niệu. Người bệnh được nhập viện khẩn.
Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, ekip điều trị nhận thấy đây là trường hợp u ác niệu mạc giai đoạn còn khu trú trong thận, chưa xâm lấn và di căn, nên lên kế hoạch phẫu thuật nội soi sau phúc mạc, cắt thận, niệu quản tận gốc và một phần bàng quang để điều trị cho bệnh nhân.
Trước mổ, người bệnh được chụp phim xạ hình thận để đánh giá chức năng. Kết quả cho thấy, nếu cắt thận phải thì bên thận còn lại vẫn đủ khả năng để “gồng gánh” cơ thể.
Song song đó, bệnh nhân được hội chẩn với các chuyên khoa Tim mạch, Hô hấp và Gây mê, nhằm có những chuẩn bị tốt nhất cho sức khỏe người bệnh trước, trong và sau mổ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Lương Vũ, khoa Ngoại Tiết Niệu, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho ông Th. chia sẻ, thận phải và niệu quản phải của bệnh nhân được cắt hoàn toàn qua nội soi sau phúc mạc.
Sau đó, các bác sĩ rạch da ở hố chậu phải để tiếp cận, khoét một phần bàng quang và thuận lợi lấy toàn bộ các bộ phận trên đường rạch này.
Hậu phẫu, bệnh nhân nhanh lành vết thương, chức năng quả thận còn lại sau phẫu thuật được đánh giá là suy thận giai đoạn 3, mức chấp nhận được. Nếu tiếp tục chăm sóc, điều trị và theo dõi tốt, bệnh nhân hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh.
Hiện tại, bệnh nhân đã đi tiểu như bình thường, xuất viện với chẩn đoán ung thư niệu mạc đường tiết niệu phải, kèm một số bệnh nền. Dự kiến, người đàn ông sẽ tiếp tục hóa trị nội bàng quang sau mổ, để tăng khả năng điều trị triệt căn.
Cảnh giác thói quen lạm dụng thuốc lá, cà phê
Bác sĩ Nguyễn Lương Vũ chia sẻ, ung thư niệu mạc trên đứng thứ 4 trong số các ung thư thường gặp của đường tiết niệu, sau ung thư tuyến tiền liệt, thận và bàng quang. Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo tuổi, thường gặp ở người trên 65 tuổi (nhóm mắc bệnh cao nhất là 70-80 tuổi).
Ngoài yếu tố tuổi tác, người hút thuốc lá (cả thụ động và chủ động), sử dụng quá nhiều cà phê (trên 7 ly/ngày), lạm dụng các thuốc giảm đau, thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, di truyền… cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư này.
Tiểu máu đại thể (nhìn thấy màu sắc thay đổi) hoặc vi thể (chỉ phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu) là dấu hiệu ung thư niệu mạc thường gặp nhất, chiếm hơn 75% số trường hợp.
Ngoài ra, đau hông lưng chiếm 20%, do ung thư gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Đôi lúc, có một số rối loạn đi tiểu do nhiễm khuẩn kèm theo. Nếu xuất hiện đau nhức xương, có thể ung thư đã di căn.
Phẫu thuật nội soi cắt thận, niệu quản tận gốc và bàng quang giúp bệnh nhân ung thư niệu mạc tránh một ca phẫu thuật mở tạo vết mổ lớn, cũng như hạn chế vấn đề vỡ bướu trong mổ gây nguy cơ phát tán ung thư thứ phát. Vì là kỹ thuật phức tạp, phương pháp này cần sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Liên Khương, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu cho biết thêm, 15-20% trường hợp bướu niệu mạc không có triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng/lần.
“Tiểu máu là triệu chứng thường gặp, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác của đường tiết niệu, như sỏi hoặc viêm đường tiết niệu. Do đó, người dân, đặc biệt là người lớn tuổi có triệu chứng này cần khám sớm để loại trừ các bệnh lý ác tính và điều trị đúng đắn”, bác sĩ Khương nói.
Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và điều trị ung thư
Tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần 4 với chủ đề “Dinh dưỡng trong ung thư, bệnh lý nặng và sau xuất viện”, do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam tổ chức mới đây, tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng ung thư đang ngày càng gia tăng trên thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam nói riêng.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ung thư trước, trong và sau khi kết thúc điều trị có tần suất 20-70%, nghĩa là cứ 10 bệnh nhân ung thư đã có 2-7 ca bệnh suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Tâm, có nhiều nguyên nhân khiến việc dinh dưỡng trong điều trị ung thư vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Đầu tiên là do nhân viên y tế thiếu kiến thức, chưa được đào tạo bài bản trong trường y khoa.
Kế đến, ngành y chưa thống nhất các công cụ sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng trên bình diện cả nước, một vài nơi vẫn chưa mạnh dạn triển khai việc nuôi ăn trong bệnh viện.
Ngoài ra, có rất nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội, quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng như “thuốc tiên”, khiến bệnh nhân khó tuân thủ những hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ…
Bác sĩ Tâm khẳng định, điều trị ung thư và dinh dưỡng có mối quan hệ mật thiết, với những tác động rất sâu sắc. Nếu quên đi vấn đề bổ sung dinh dưỡng trong điều trị ung thư có thể mang lại sự bất lợi cho sức khỏe bệnh nhân.
Theo: Dân Trí