Với mong muốn giúp các bạn độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ tìm hiểu về quân đội và lịch sử hiện đại của Việt Nam, tác giả Nguyễn Mạnh Hà đã viết lại ngắn gọn và bổ sung nội dung từ cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của nhóm tác giả: Trịnh Vương Hồng, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Ngọc Long, Chu Văn Tùng, Phan Sỹ Phúc thuộc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng (NXB Quân đội Nhân dân, 2004).
Cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do NXB Kim Đồng xuất bản nhân dịp này gồm 2 phần:
Phần 1 đề cập quá trình hình thành và phát triển của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với những trận đánh giành thắng lợi đầu tiên, tờ báo đầu tiên, liệt sĩ đầu tiên…
Khoảnh khắc lịch sử chiều tối mùa đông, ngày 22/12/1944, giữa rừng già Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng, 34 cán bộ, chiến sĩ đã cất lên lời thề thiêng liêng, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì nước non vững bền… như tái hiện sinh động. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã ra đời như thế.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 1992, Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân tổ chức họp mặt các đồng chí từng là cán bộ, đội viên của đội. Theo nguyện vọng của nhiều đồng chí trong Ban liên lạc, Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng đã giúp đỡ, tạo điều kiện tìm hiểu, sưu tầm, xác minh, lập danh sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Bây giờ làm là chậm nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm”. Mặc dù vậy tính đến thời điểm đó, thời gian đã trôi qua ngót nửa thế kỉ, có những đội viên đã hi sinh, những người “trong cuộc” còn sống thì đã già yếu hoặc đã mất nên việc xác minh lại danh sách rất khó khăn.
Dựa vào các cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng và các đội viên còn sống, với phương pháp tổng hợp, đối chiếu, một danh sách được lập lên tới… 74 người.
Điều “sai số” này cũng dễ hiểu vì thông tin căn cứ theo trí nhớ của từng người, các đội viên gặp nhau trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, cùng sống, chiến đấu với nhau trong đơn vị một thời gian rồi lại phải phân tán hoạt động ở các đơn vị, địa bàn khác…
Trải qua 3 cuộc hội thảo được tổ chức tại Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội cùng quá trình tìm hiểu, điều tra thêm, ngày 2/11/1994, danh sách 34 đội viên đã được xác định, trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp kí duyệt để kịp đưa khắc tên vào bia đặt trong Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1994).
Tuy vậy, khi bia khắc tên được hoàn thiện, cũng có thêm một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì thế, việc xác minh và chỉnh lý thông tin về các đội viên tiếp tục được thực hiện từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2003 để có được bản danh sách như hiện nay.
Phần 2 của cuốn sách tri ân 34 đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, thành lập Đội.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà là người phụ trách Tổ xác minh thông tin 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam từ 4/2000 đến 3/2003.
Ngay sau ngày 22/12/1944 lịch sử, 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chiến đấu, đóng góp công sức và xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong số đó, có những đồng chí hy sinh, một số đồng chí trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam lập được nhiều chiến công, nhiều người phục viên sau giải phóng, tiếp tục cống hiến cho xã hội ở các vai trò, vị trí khác nhau.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ rằng, cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được viết rõ ràng, khoa học, khúc chiết, giản dị và xúc động, không chỉ phù hợp với độc giả trẻ mà với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử quân đội Việt Nam, lịch sử Việt Nam hiện đại.
Bạn đọc sẽ tìm thấy rất nhiều tư liệu, thông tin cũng như học cách làm việc nghiêm túc, thận trọng của tác giả trước các vấn đề lịch sử và con người. Cuốn sách cũng đã khắc họa chân thực chân dung anh bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân Việt Nam luôn tin yêu và biết ơn.
Theo: Dân Trí