Nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2024
Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 được Samsung triển khai tại các doanh nghiệp khu vực phía Bắc từ 8/5 đến 8/8, tại khu vực phía Nam và miền Trung từ 16/9 đến 12/12.
Sau gần 6 tháng thực hiện, dự án đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 20 doanh nghiệp, bao gồm 10 doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc, 7 doanh nghiệp ở khu vực phía Nam và 3 doanh nghiệp tại miền Trung.
Theo đánh giá, sau khi tham gia dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh, mức điểm trung bình của 20 doanh nghiệp Việt Nam đã tăng từ 0,9 lên 3 so với thời điểm trước khi tham gia dự án tính theo thang điểm đánh giá mô hình nhà máy thông minh 5 mức độ của Hàn Quốc.
Trong số 20 doanh nghiệp, 14 doanh nghiệp mới và 6 doanh nghiệp được Samsung tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2. Với các doanh nghiệp mới, sau cải tiến, phần lớn doanh nghiệp tham gia đều chuyển từ mức độ 1 lên mức độ 2, mức độ 3 theo thang điểm đánh giá 5 mức độ nhà máy thông minh của Hàn Quốc.
Việc thu thập dữ liệu sản xuất đã được chuyển một phần từ thu thập cục bộ, cập nhật chậm theo ngày hay tuần sang việc quản lý liên tục, cập nhật theo thời gian thực, đảm bảo thông tin được thiết kế lại theo dòng và thông suốt giúp cho việc quản lý và ra quyết định chính xác, nhanh chóng hơn.
Với doanh nghiệp được hỗ trợ giai đoạn 2, sau cải tiến, các doanh nghiệp nhân rộng lắp IoT trong nhà máy, tiếp tục triển khai phát triển module sản xuất chưa hoàn thiện ở giai đoạn 1, đồng thời, mở rộng triển khai thêm module ngoài sản xuất (như kinh doanh, lập kế hoạch, phát triển sản phẩm…)
Các doanh nghiệp được tư vấn tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy thông minh dưới sự cố vấn trực tuyến của các chuyên gia Hàn Quốc nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Được lựa chọn tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2024, nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia, Công ty TNHH In Trùng Khoa – đơn vị chuyên thiết kế, in ấn, sản xuất các loại thiệp, tem nhãn, catalogue, túi xách, bao bì giấy tại TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có những thay đổi tích cực với chỉ số thông minh của nhà máy nâng từ 1,1 lên 3 điểm (theo thang điểm đánh giá 5 mức độ nhà máy thông minh của Hàn Quốc)
Ông Ngô Tiến Thành – Trưởng Ban phát triển nhà máy thông minh của Công ty TNHH In Trùng Khoa cho biết, sau khi triển khai thực hiện dự án, hiệu suất xử lý trong vận hành máy móc đã tăng khoảng 20%.
Cũng tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2024, công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn – doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp in và sản xuất nhãn mác tại TPHCM đã ghi nhân bước tiến mới khi nâng chỉ số thông minh của doanh nghiệp từ 2 lên 3 điểm.
“Sau khi tham gia dự án, chúng tôi từ lãnh đạo đến từng cán bộ nhân viên đã có sự thay đổi lớn về tư duy trong quản trị sản xuất kinh doanh. Tất cả quá trình sản xuất, thông số sản xuất tại từng máy được thu thập, cập nhật lên hệ thống phần mềm theo thời gian thực. Điều này có ý nghĩa quan trọng với chúng tôi trong việc ra quyết định nhanh cũng như tăng năng suất giảm thiểu sai sót, hao hụt trong sản xuất”, ông Nguyễn Văn Mẫn, Tổng giám đốc công ty, cho biết.
Nhân rộng số lượng doanh nghiệp tham gia
Chứng kiến thành quả mà nhiều doanh nghiệp tại TPHCM gặt hái được sau khi tham gia dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh, bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM đánh giá: “Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách thức quản lý hay vận hành, điều lớn nhất mà dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã mang lại cho các doanh nghiệp chính là tư duy cải tiến.
Tôi tin rằng, đây sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tương lai. Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cũng như hỗ trợ hết mình để dự án này được lan tỏa rộng rãi. Mong rằng Samsung Việt Nam nỗ lực để nhân rộng số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình, đồng hành cùng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa các doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới”.
Cùng tham gia đoàn đánh giá sau cải tiến tại các doanh nghiệp Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Trừ – Phó giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi đánh giá cao hiệu quả mà dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã mang lại cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ở khu vực miền Trung. Sự tư vấn của chuyên gia trong chương trình là hành trang quý báu để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục là đầu mối và đồng hành để các doanh nghiệp tham khảo mô hình từ đó xây dựng cho mình hướng đi thích hợp trong chuyển đổi số”.
Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các địa phương là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022.
Cùng với 20 doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh trong năm 2024, tính đến nay, dự án hỗ trợ tư vấn cho 72 doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đào tạo 123 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này.
“Thành quả cải tiến mà các doanh nghiệp gặt hái được không chỉ nhờ sự hướng dẫn của chuyên gia mà còn nhờ sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự đóng góp tích cực của cán bộ và nhân viên trong chính doanh nghiệp ấy. Tôi mong rằng các doanh nghiệp sẽ không dừng ở đây mà còn tiếp tục duy trì và cải tiến trong thời gian tới để đạt được những thành công hơn nữa trong tương lai”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nói.
Theo: Dân Trí