Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các quan chức châu Âu và Ukraine cho biết, các nước châu Âu đang thảo luận về việc triển khai lực lượng lên tới 100.000 quân tới Ukraine trong trường hợp có lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
Các quan chức tiết lộ lực lượng này có thể được thành lập bởi một liên minh gồm khoảng 5-8 quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Anh và Ba Lan.
Các nhà phân tích và các quan chức tin rằng quy mô của lực lượng này phần lớn phụ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể. Theo Reuters, “một số nhà phân tích cho rằng có thể triển khai khoảng 40.000 quân”.
Các nguồn tin cũng chỉ ra rằng, cuộc tranh luận cho đến nay đã bộc lộ sự nhầm lẫn về việc liệu một phái bộ châu Âu trong tương lai có đảm nhiệm vai trò gìn giữ hòa bình truyền thống, chẳng hạn giám sát ranh giới ngừng bắn hay cung cấp biện pháp răn đe mạnh mẽ chống lại Nga hay không. Các quan chức Italy được cho là đề cập đến việc gìn giữ hòa bình, trong khi các quan chức Pháp và Ukraine tập trung vào việc răn đe.
Chuyên gia Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết một lực lượng như vậy có thể được thành lập nếu một số quốc gia châu Âu cắt giảm các nhiệm vụ khác, chẳng hạn gìn giữ hòa bình Balkan. Ông nhấn mạnh rằng “điều này chắc chắn sẽ khiến lực lượng trên bộ của châu Âu phải căng mình”.
Nhiệm vụ của lực lượng quốc tế và sự cần thiết của việc lực lượng này phải nằm dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc cũng đã được thảo luận.
Reuters trước đó đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã thảo luận về khả năng gửi quân đội châu Âu tới Ukraine tại một cuộc họp ở Warsaw.
Vào tháng 11, Tổng thống Macron đã thảo luận về sáng kiến này với Thủ tướng Anh Keir Starmer. Các nguồn tin của Reuters cũng cho biết Kiev đã đàm phán về vấn đề này với các quốc gia Bắc Âu và Baltic.
Trong suốt cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài gần 3 năm qua, hầu hết các nước phương Tây đều bác bỏ kịch bản triển khai quân đội đến Ukraine để hỗ trợ đẩy lùi lực lượng Nga do lo ngại một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Moscow.
Tuy vậy, phương Tây không ít lần vượt qua các “lằn ranh đỏ” do Nga đặt ra, ban đầu là cung cấp vũ khí sát thương cỡ nhỏ cho Ukraine, tiếp đến là xe tăng, máy bay chiến đấu và gần đây nhất là cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ và đồng minh viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trong bối cảnh Nga đạt bước tiến nhanh chóng trên chiến trường, Ukraine có nguy cơ phải đưa ra những nhượng bộ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai, phương Tây có thể một lần nữa “xé rào”.
Theo: Dân Trí