Ngày 18/12, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội và các điểm cầu.
Tại sự kiện, Bộ VH-TT&DL đã cung cấp báo cáo công tác, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.
Theo báo cáo, Cục Điện ảnh đã thực hiện kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm phát hành phim Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ cùng 6 bộ phim hoạt hình khác với doanh thu 25 tỷ đồng. Trong đó, Đào, phở và piano thu 23 tỷ đồng, các phim khác thu được 2 tỷ đồng.
Cục tiếp tục triển khai Luật Điện ảnh và các văn bản quy định chi tiết, tăng cường quản lý phim trên không gian mạng, từng bước đưa hoạt động phân loại phim, phổ biến phim đi vào nề nếp, tổ chức và tham gia các liên hoan phim có uy tín trong nước và quốc tế.
Cục Điện ảnh đã cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Tiếp nhận và thẩm định 17 kịch bản phim hoạt hình, 15 kịch bản phim truyện điện ảnh.
Tiếp nhận 96 kịch bản phim tài liệu, phim khoa học, thẩm định 87 kịch bản phim tài liệu, phim khoa học do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Bên cạnh đó, Cục cấp giấy phép phân loại cho 205 phim truyện nước ngoài, 26 phim truyện Việt Nam, 47 phim tài liệu, 2 phim khoa học, 22 phim hoạt hình, 6 phim truyện ngắn, 364 phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài.
Trong năm nay, Cục Điện ảnh không cấp phép phổ biến 15 phim truyện nước ngoài, 1 phim truyện Việt Nam. Lý do thường thấy là phim có hình ảnh đường lưỡi bò hoặc có cảnh quay bạo lực.
Năm nay, Cục Điện ảnh kiểm tra nội dung mức phân loại 178 phim (1.325 tập phim), thẩm định 12 hồ sơ, công nhận 10 doanh nghiệp đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng,
Cục cũng yêu cầu gỡ bỏ 13 phim phổ biến trên không gian mạng.
Trước đó, trong họp báo thường kì quý I/2024 của Bộ VH-TT&DL, khi được hỏi về việc nhiều phim nhảm nhí, phim lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” được chiếu trên mạng, ông Vi Kiến Thành – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh – cho biết, theo quy định hiện hành, chỉ có phim chiếu rạp được thực hiện theo chế độ tiền kiểm (có Hội đồng thẩm định cấp phép trước khi phổ biến).
Còn phim chiếu trên không gian mạng thực hiện theo chế độ hậu kiểm, các nhà phát hành chịu trách nhiệm phân loại phim và hiển thị cảnh báo cho người xem.
“Cục Điện ảnh chỉ có 10 người thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phim trên mạng và toàn bộ đều là kiêm nhiệm. Mỗi ngày chia 2 ca trực, mỗi ca 5 người nên không thể xem hết được”, ông Thành nói.
Với phim bị phát hiện cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ông Thành khẳng định cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn ngay lập tức.
Vào tháng 7/2023, Netflix và FPT Play (bản web và bản di động) chính thức gỡ bỏ phim Flight to you (Hướng gió mà đi), phim Barbie cũng bị cấm chiếu ở Việt Nam do chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.
Tháng 3/2022, Thợ săn cổ vật (Uncharted) cũng bị cấm chiếu ở rạp vì lý do tương tự.
Tháng 12/2019, Bộ VH-TT&DL phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì phim Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước khi rút khỏi rạp, tác phẩm này đã được cấp phép và chiếu 10 ngày.
Theo: Dân Trí