Nhìn vào lòng mình để vẽ “Thời gian”
Nhân kỷ niệm 30 năm thực hành hội họa trừu tượng, họa sĩ Trần Nhật Thăng sẽ tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 17 với chủ đề Thời gian, kết hợp với kiến trúc sư (KTS) Tùng Lê. Triển lãm diễn ra từ ngày 20 đến ngày 27/12, tại Green Palm Gallery, 39 Hàng Gai, Hà Nội.
Triển lãm là nơi 2 nghệ sĩ kể câu chuyện của riêng mình về thời gian, đồng thời, thể hiện sự gắn kết giữa hội họa và điêu khắc qua việc sử dụng chất liệu gỗ cháy, gỗ cũ, gỗ cổ để tạo nên các tác phẩm. Nhân dịp này, 2 nghệ sĩ ra mắt cuốn Art Book cũng mang tên Thời gian với serie tác phẩm xuất hiện trong triển lãm.
80 tác phẩm trừu tượng diễn đạt thế giới tinh thần của Trần Nhật Thăng ở hiện tại, tự do và thả lỏng, nhìn vào lòng mình để vẽ. Những cảm kích, được mất của cuộc đời được họa sĩ nhìn bằng đôi mắt bình thản và tự tại.
Bệ đỡ cho chuỗi tác phẩm của Trần Nhật Thăng là những di sản còn sót lại của những ngôi nhà xưa của các dân tộc Việt. Đó có thể là bộ cột trong kiến trúc truyền thống, những đồ mộc gia dụng có tuổi đời lên đến 200 năm. Tất cả được tái tạo và thiết kế lại thành bộ khung tranh độc đáo mang đậm đặc tính điêu khắc của KTS Tùng Lê.
Triển lãm Thời gian được chia ra thành 3 chương: An trú, Giấc mơ và Tự do, đi theo một thể thống nhất.
Chương 1, An trú là những bức tranh đi cùng với bộ khung được làm bằng cột gỗ của những ngôi nhà cổ, cùng các nét chạm đục thủ công hoa văn mây cổ của người Việt. Trần Nhật Thăng cho rằng, bộ khung gỗ của kiến trúc sư Tùng Lê chính là “bệ đỡ thời gian” bền vững, đỡ những giấc mơ phóng khoáng, mơ màng của anh.
Chương 2, Giấc mơ là các bức tranh trừu tượng cỡ rất nhỏ, kết hợp với gỗ gia dụng, đồng và đa chất liệu như bột cafe, giấy giang, Epoxy… Trần Nhật Thăng cho biết, đây là lần đầu tiên bản thân vẽ những bức tranh chỉ bằng một bao thuốc lá. Tuy nhỏ bé, nhưng tranh của người họa sĩ vẫn đầy tình cảm, đủ cảm xúc. Khi nhìn vào tổng thể tác phẩm, người xem vẫn có thể thấy một câu chuyện vạm vỡ.
Với chương 3, Tự do, từ bệ đỡ Thời gian – người xem sẽ cùng “phiêu” với họa sĩ trong những bức tranh trừu tượng khổ lớn, đậm đặc phong cách nghệ thuật của Trần Nhật Thăng. Đồng thời, khán giả cũng có thể cảm nhận được một tinh thần Nhật Thăng rất khác so với những giai đoạn trước, thể hiện rõ những thăng trầm trong hành trình 30 năm hội họa.
Trần Nhật Thăng: “Tôi không còn làm khó tôi nữa”
Nói về quá trình sáng tạo, họa sĩ Trần Nhật Thăng cho biết, anh đã nghĩ và lên ý tưởng về triển lãm này từ vài năm trước và vẽ 80 tác phẩm trong vòng nửa năm.
Về phần KTS Tùng Lê, anh đã dành thời gian hơn 10 năm để đi đến những vùng cao, sưu tập các vật liệu gỗ cũ, gỗ cháy và gỗ hiếm – trong đó có những cột gỗ có tuổi đời hàng trăm năm.
Khi được họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ về dự án, cũng như mong muốn kết hợp trong triển lãm của mình, Tùng Lê đã không ngần ngại sử dụng bộ sưu tập gỗ quý báu để điêu khắc ra những bệ đỡ độc đáo.
KTS Tùng Lê chia sẻ: “Sự minh triết của thời gian làm chúng ta lớn lên một cách hữu hình, bên một thứ vô hình cuộn chảy, nhờ đó mà bản thân ta được nhìn thấy, nghe thấy, và cháy bỏng những ao ước.
Giấc mơ ngàn đời nay của loài người đều là những ước vọng vượt tầng không như những đám mây trên trời, vô lượng có và không. Vì lẽ đó mà những đám mây vân cổ xưa kia nó bao hàm trong đó những ước vọng rất người biểu thị niềm tin yêu và tôn bái tự nhiên giữa người và sự vĩnh hằng”.
Họa sĩ Trần Nhật Thăng bộc bạch, bản thân từng rơi vào trạng thái muốn nghỉ vẽ 10 năm rồi mới quay trở lại con đường hội họa.
“Tôi không tự ép mình làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày bởi đây là nghệ thuật. Có những hôm, tôi chỉ làm việc mấy tiếng buổi đêm. Hay có lúc, tôi đi 180km từ Hà Nội đến Mộc Châu để tới xưởng vẽ, lang thang nơi những phiên chợ quê tìm cảm hứng sáng tác”, Nhật Thăng nói.
Chia sẻ về quãng thời gian khi mới tốt nghiệp trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ Trần Nhật Thăng kể: “Đã từng có thời gian tôi vẽ tranh phong cảnh, chân dung để bán lấy tiền sống và cũng kiếm được kha khá.
Cho đến một ngày, tôi nhìn những bức tranh đó và tự vấn: “Thăng ơi, mày đang vẽ cái gì thế này? Đây là cái mà mày sẽ theo đuổi ư?” Sau đó, tôi quyết định từ bỏ con đường đó, xóa số các gallery (phòng trưng bày), bỏ luôn những bức tranh thương mại đang gửi bán, coi như đoạn tuyệt.
Tôi bắt đầu nghiền ngẫm ngôn ngữ trừu tượng và theo đuổi nó. Hội họa trừu tượng phù hợp với con đường nghệ thuật, sứ mệnh của tôi”.
Họa sĩ chia sẻ thêm: “Hiện tại, tôi thả lỏng mình thư thái. Trong lòng mình như thế nào, muốn vẽ cái gì thì bản thân chiều theo. Tôi không còn bị những yếu tố bên ngoài tác động, như vẽ thế nào cho đẹp, hay là vẽ thế nào cho lạ, hay là vẽ thế nào để bán được.
Đến bây giờ, tôi thích vẽ cái gì tôi vẽ. Tôi không chiều mọi người và tôi cũng không làm khó tôi nữa. Nó đến một cái trạng thái là thư thư thái và thả lỏng hoàn toàn”.
Trần Nhật Thăng (SN 1972), là một trong những họa sĩ tiên phong của hội họa Hậu Đổi mới ở Việt Nam cuối thập kỷ 90.
Các tác phẩm của Trần Nhật Thăng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối vẽ tranh thủy mặc và thư pháp truyền thống phương Đông với phong cách trừu tượng tối giản của hội họa hiện đại.
Anh quan niệm rằng, chỉ vẽ cảm giác của mình, lòng mình, tâm mình, nhìn vào trong mình để vẽ.
Với 16 triển lãm cá nhân và tham gia hơn 100 triển lãm nhóm trong và ngoài nước, Trần Nhật Thăng có không ít tác phẩm nằm trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và các tổ chức tại Châu Âu, Châu Á và Mỹ.
Ngoài hội họa, Trần Nhật Thăng còn thử nghiệm nghệ thuật trong lĩnh vực trình diễn và sắp đặt. Anh cũng là người khởi xướng và tổ chức một số sự kiện nghệ thuật nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn năm 2012.
KTS Tùng Lê, một trong những người sáng lập của Dreamers living co. Với hơn 20 năm rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc, từ cảnh sắc thiên nhiên phong phú đến sự thân tình của con người đã ghi dấu trong anh một cách rõ nét.
Những trải nghiệm quý báu ấy trở thành nguồn cảm hứng giúp Tùng Lê phát triển triết lý thiết kế độc đáo: Mỗi sản phẩm không chỉ đơn thuần là vật dụng, mà còn kể câu chuyện văn hóa bản địa, kết nối truyền thống với hiện đại.
Theo: Dân Trí