Kênh truyền hình RT ngày 18/12 dẫn thông tin từ Giám đốc Điều hành (CEO) một công ty cung cấp hầm trú ẩn có trụ sở ở Texas (Mỹ) cho biết, sự kiện Nga lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào Ukraine hồi tháng trước đã khiến số lượng người Mỹ tìm mua boong-ke phòng tránh vũ khí hạt nhân gia tăng gấp 4 lần.
Ngày 21/11 vừa qua, quân đội Nga đã lần đầu tiên phóng thử nghiệm chiến đấu tên lửa Oreshnik mang đa đầu đạn siêu vượt âm để tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở Dnipro.
Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định sử dụng Oreshnik được đưa ra nhằm đáp trả việc Mỹ và các quốc gia đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do những nước này sản xuất tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tên lửa Oreshnik có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường và bay nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Ông Putin khẳng định các hệ thống phòng thủ của phương Tây hiện nay không thể có khả năng đánh chặn loại tên lửa như vậy.
Chỉ vài giờ sau vụ phóng, CEO Ron Hubbard của công ty cung cấp hầm trú ẩn số một thế giới Atlas Survival Shelters cho biết điện thoại của ông đã đổ chuông “không ngừng nghỉ.
Atlas Survival Shelters là công ty chuyên sản xuất boong-ke chống bom và hầm trú ẩn chống bụi phóng xạ tại nhà máy lớn nhất thế giới dạng này ở Texas.
Ông Hubbard nói rằng, 24 giờ sau vụ phóng tên lửa Oreshnik vào Ukraine, 4 khách mua đã đặt hàng và số người đặt mua thiết bị gia cố cho các boong-ke sẵn có của họ thậm chí còn nhiều hơn. Nếu là ngày bình thường, ông Hubbard chỉ bán được một boong-ke duy nhất.
Theo ông Hubbard, mỗi một hầm trú như vậy có giá từ 20.000 USD cho tới hàng triệu USD và trung bình một khách hàng sẽ chi 500.000 USD.
Ông Hubbard cho biết, trước vụ phóng tên lửa Oreshnik diễn ra thì giai đoạn phong tỏa do Covid-19 và các cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và Israel – Hamas cũng đã thúc đẩy doanh số của công ty ông tăng lên.
Theo nghiên cứu được báo The Independent của Anh trích dẫn, thị trường hầm trú bom và bụi phóng xạ ở Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 137 triệu USD vào năm ngoái lên đến 175 triệu USD vào năm 2030.
Khách hàng thường viện dẫn lý do xuất phát từ “mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các cuộc tấn công hạt nhân tiềm ẩn, do hoạt động khủng bố hoặc bất ổn dân sự”.
Ông Hubbard chia sẻ trên The Independent rằng, các hầm trú ẩn của ông có thể chịu được mọi dạng sự cố từ bão, lốc xoáy, đến bụi phóng xạ hạt nhân, đại dịch và thậm chí là núi lửa phun trào.
Ngày 16/12, trong cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định việc tổ hợp tên lửa Oreshnik sử dụng theo nhóm có thể tạo ra hiệu quả tương đương vũ khí hạt nhân.
Là dòng tên lửa siêu vượt âm tầm trung, Oreshnik chính thức được Nga đưa vào trực chiến từ năm 2024. Tên lửa có khả năng đạt tốc độ Mach 10 và tầm bắn từ 1.000km – 5.500km.
Theo: Dân Trí