Ô tô tải chạy lấn làn ngược chiều, đâm trực diện xe tải khác

Tai nạn xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 4/12 tại km189+100 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (thuộc địa phận xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

Theo đó, hai ô tô đi ngược chiều nhau trên đoạn đường cao tốc không có dải phân cách cứng đã bất ngờ xảy ra va chạm. Hình ảnh do camera hành trình của một trong hai xe ghi lại cho thấy chiếc xe tải còn lại đã chạy hẳn sang làn đường ngược chiều ở tốc độ cao.

Ô tô tải chạy lấn làn ngược chiều, đâm trực diện xe tải khác (Video: OFFB).

Hậu quả là hai người trên chiếc xe tải chạy lấn làn ngược chiều đã tử vong tại chỗ, hai người trên xe tải có camera hành trình bị thương.

Tại hiện trường, 2 ô tô tải bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại vật chất khoảng 200 triệu đồng.

Ô tô tải chạy lấn làn ngược chiều, đâm trực diện xe tải khác - 1

Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 nạn nhân tử vong (Ảnh: Phạm Minh).

Ô tô tải chạy lấn làn ngược chiều, đâm trực diện xe tải khác - 2

Đoạn đường cao tốc xảy ra vụ tai nạn không có dải phân cách cứng ở giữa (Ảnh: Phạm Minh).

Trên đoạn đường xảy ra tai nạn không có dải phân cách cứng, nhưng có hai vạch kẻ liền màu vàng chạy song song, là vạch dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều (vạch tim đường); xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Trong tình huống này, đường thông thoáng nên ít có khả năng tài xế xe tải cố tình chạy lấn làn ngược chiều, mà có thể do mất tập trung hoặc buồn ngủ.

Việc chạy lấn làn ngược chiều, đặc biệt là trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người, nên tài xế cần đặc biệt tập trung sau tay lái; khi thấy mệt hoặc có dấu hiệu buồn ngủ thì cần dừng xe ở điểm an toàn, vào cây xăng hoặc trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc để chợp mắt, nghỉ ngơi, không nên đi cố.

Ngủ gật sau vô lăng cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần tài xế chợp mắt một giây cũng có thể để lại hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem nhẹ mối nguy này.

Ngay cả những người cầm lái lâu năm cũng thừa nhận rằng, đôi khi vì chủ quan mà rơi vào tình trạng ngủ tạm thời sau vô lăng, còn gọi là “giấc ngủ trắng”.

Đó là khi cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, tài xế vẫn điều khiển vô lăng nhưng rơi vào trạng thái ngủ, dù mắt vẫn mở, sau đó có thể thiếp đi bất cứ lúc nào.

Không ít tài xế biết bản thân buồn ngủ nhưng lại chủ quan cho rằng có thể xua nguy cơ ngủ gật bằng cách mở cửa sổ xe hoặc bật to nhạc trong xe. Tuy nhiên, thực tế là cả hai trường hợp đều có thể khiến lái xe ngủ gật bất cứ lúc nào, đặt bản thân và những người đi cùng trên xe vào vòng nguy hiểm. 

Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài ở những đoạn đường thẳng và vắng (thường là đường cao tốc, quốc lộ), hoặc lái xe vào các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể đòi nghỉ ngơi (từ 10h tối đến 5h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa). 

Tài xế cũng dễ buồn ngủ nếu lái xe sau một đêm ngủ ít hơn bình thường, làm việc quá sức (tan ca đêm), hoặc sau khi uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, ví dụ như thuốc cảm.

Còn một nguyên nhân nữa ít người chú ý đến nhưng cũng khiến tài xế buồn ngủ; đó là tình trạng thiếu ôxy bên trong xe, do chế độ gió điều hòa không hợp lý.

Khi nào nên dừng xe nghỉ ngơi để tránh ngủ gật sau vô lăng?

Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ngủ gật mà bạn nên chú ý khi đang lái xe:

– Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đầu óc mơ màng, phân tán

– Khó tập trung, nháy mắt liên tục và mí mắt trĩu nặng

– Ngáp không dừng và dụi mắt liên tục, chảy nước mắt, thở nông

– Không thể giữ đầu thẳng như bình thường

– Không thể nhớ số km của hành trình vừa trải qua, đi quá lối ra hoặc biển báo giao thông

– Cảm thấy mơ màng, đi chệch làn đường, lái xe chuệch choạng, tốc độ không ổn định…

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên, bạn hãy dừng xe lập tức để đảm bảo an toàn. Cách xử lý tốt nhất là tấp ngay vào vị trí an toàn (điểm nghỉ) và ngả ghế nhắm mắt thư giãn hoặc hẹn giờ đồng hồ ngủ 1 giấc ngắn 10-15 phút, để cho cơn buồn ngủ trôi qua. 

Tuy nhiên, không nên dừng xe ở lề đường, làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc những chỗ quá vắng vẻ. Trạm xăng hay trạm dừng/nghỉ trên đường là những chỗ an toàn nhất.

Theo: Dân Trí