Hàng nghìn người dự khai mạc Festival Ninh Bình “Dòng chảy di sản”

Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III với chủ đề Dòng chảy di sản.

Festival Ninh Bình lần thứ III nằm trong chuỗi sự kiện 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Hàng nghìn người dự khai mạc Festival Ninh Bình Dòng chảy di sản - 1

Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III với chủ đề “Dòng chảy di sản” tổ chức long trọng tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, Festival Ninh Bình lần thứ III (năm 2024) khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản.

Bên cạnh đó, khẳng định việc bảo tồn và phát huy tinh hoa Cố đô Hoa Lư nằm trong dòng chảy di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tạo sản phẩm văn hóa đặc sắc thu hút khách du lịch, tạo sự đoàn kết, gắn bó, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho hay, quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định quan điểm phát triển của tỉnh Ninh Bình là “xanh, bền vững và hài hòa”; “lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn”.

Hàng nghìn người dự khai mạc Festival Ninh Bình Dòng chảy di sản - 2

Ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thái Bá).

Theo ông Trung, điều này cho thấy tầm nhìn của tỉnh Ninh Bình được sự ủng hộ của Trung ương trong việc phát huy vai trò của văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chia sẻ thêm, Ninh Bình là một vùng có nền văn hóa độc đáo, có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc, những năm qua, tỉnh đã tích cực nghiên cứu, nhận diện, làm rõ và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi nhận, đánh giá cao.

Trong đó, việc xây dựng thương hiệu và đổi mới cách thức tổ chức Festival qua từng năm để lan tỏa những giá trị di sản, giá trị văn hóa truyền thống, làm cho di sản văn hóa thực sự là nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, là một trong những hoạt động nổi bật, có hiệu quả và giá trị thương hiệu cao.

“Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khát vọng, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô; xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; sẵn sàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Trung nhấn mạnh.

Hàng nghìn người dự khai mạc Festival Ninh Bình Dòng chảy di sản - 3

Các đại biểu, người dân và du khách thập phương dự lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III (Ảnh: Thái Bá).

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình với chủ đề Vàng son một thuở cố đô đã đưa khán giả cùng chu du trên hành trình kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, xuôi theo dòng chảy hơn một thiên niên kỷ của lịch sử nước nhà, tôn vinh giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *