Serbia: Mỹ có thể sẽ mua đường ống “Dòng chảy phương Bắc” của Nga

Serbia: Mỹ có thể sẽ mua đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga - 1

Khí đốt rò rỉ trên biển sau khi đường ống Nord Stream bị phá hoại (Ảnh: Reuters).

Đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 có thể trở thành tài sản của một nhà đầu tư Mỹ trong vòng một năm tới, và nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU có thể được nối lại qua đường ống này, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic dự đoán.

Ông Vucic đã chia sẻ quan điểm của mình về tương lai của đường ống trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsblatt của Đức, được công bố vào ngày 27/12.

“Tôi dám dự đoán: Trong vòng một năm nữa, Dòng chảy phương Bắc sẽ thuộc sở hữu của một nhà đầu tư Mỹ, và khí đốt sẽ lại chảy từ Nga sang châu Âu qua đường ống này”, nhà lãnh đạo Serbia nói. “Hãy ghi nhớ lời tôi. Một năm nữa Dòng chảy phương Bắc sẽ hoạt động trở lại!”.

Vào tháng trước, báo Wall Street Journal đã đưa tin rằng nhà tài chính và nhà đầu tư Mỹ Stephen Lynch đã đề nghị Bộ Tài chính Mỹ cho phép để ông mua đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu nó được đưa ra đấu giá vào năm tới.

Đường ống này, vốn được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và phần còn lại của Tây Âu, đã bị hư hỏng nặng do các vụ nổ tại Biển Baltic vào tháng 9/2022.

Các nhà điều tra cho biết đã tìm thấy dấu vết của chất nổ tại hiện trường và nghi ngờ có hành động cố ý làm nổ các đường ống. Cả Nga và phương Tây đều coi đây là một vụ phá hoại có chủ đích.

Ông Lynch cho rằng một thỏa thuận mua lại đường ống của Nga có thể được xem là một cơ hội chiến lược cho lợi ích dài hạn của Mỹ. Việc sở hữu đường ống này sẽ cung cấp cho chính phủ Mỹ một công cụ để gây áp lực trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga nhằm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine, ông nói với Wall Street Journal.

Ông Lynch được cho là đã nói rằng ông có thể mua Dòng chảy phương Bắc 2, dự án có giá trị thực tế khoảng 11 tỷ USD, chỉ với số tiền thấp hơn nhiều. Ông đồng thời cho rằng đây sẽ là “cơ hội có một không hai trong một thế hệ” để Mỹ kiểm soát nguồn cung năng lượng của EU.

Nga chưa bình luận về thông tin nói trên, cũng như tương lai của Dòng chảy phương Bắc.

Mặc dù không ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công đường ống này hồi năm 2022, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin rằng một nhóm đặc nhiệm có liên quan đến Ukraine có thể đứng sau vụ việc.

Trong khi đó, Nga cáo buộc các cơ quan tình báo phương Tây, đã trực tiếp tham gia vào vụ việc này. Theo Nga, các công ty Mỹ đã hưởng lợi từ vụ tấn công này do họ là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu cho châu Âu sau khi EU tìm cách đoạn tuyệt với năng lượng Nga trong những năm qua.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, Sergey Naryshkin, cho biết hồi tháng trước rằng cơ quan của ông có thông tin về cáo buộc liên quan tới “sự tham gia trực tiếp” của các chuyên gia từ các cơ quan đặc nhiệm Mỹ và Anh trong vụ tấn công Dòng chảy phương Bắc.

Trong khi đó, London và Washington, cũng như Kiev, đã phủ nhận mọi sự liên quan.

Theo: Dân Trí