Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Ukrainska Pravda, Taras Chmut, lãnh đạo Quỹ “Come back Alive”, đã chỉ ra những vấn đề mà quân đội nước này phải đối mặt trên tiền tuyến.
Quỹ “Come Back Alive” là một tổ chức từ thiện phi chính phủ của Ukraine, được thành lập để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Quỹ này nổi tiếng là một trong những tổ chức lớn nhất và đáng tin cậy nhất trong việc cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Ông Chmut kêu gọi chính phủ Ukraine cần khẩn trương đưa ra những quyết định quyết liệt hơn nữa để khắc phục tình hình trên chiến trường.
“Việc trì hoãn luật động viên, đưa ra các quyết định nhân sự kém hiệu quả, và các chỉ huy liên tiếp mắc sai lầm đã tạo ra sự hỗn loạn trong cơ cấu chỉ huy quân đội”, ông Chmut nhận định.
Ông cũng lý giải vì sao Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công liên tục và dồn dập, cũng như đánh giá mối đe dọa đối với các thành phố Kherson, Dnipro, Kharkiv và Zaporizhia, đồng thời nói về nỗi lo ngại của các sĩ quan quân đội khi phải báo cáo tình hình chiến trường thực tế với cấp trên.
Ông Chmut cho biết, tình hình tại tiền tuyến rất nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực Donetsk, nơi quân đội Ukraine đã phải rút lui suốt năm qua. Từ tháng 6 đến tháng 11, diện tích lãnh thổ bị mất đã tăng từ 100km² lên 610km² mỗi tháng. Mặc dù ban lãnh đạo Ukraine đều hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của khu vực này, nhưng việc rút lui vẫn tiếp diễn do quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc khắc phục các điểm yếu trước chiến thuật của Nga.
Nga sử dụng chiến thuật thâm nhập với các nhóm bộ binh nhỏ, kết hợp bom dẫn đường và phương tiện bọc thép. Những nhóm bộ binh này gây áp lực liên tục, khiến quân đội Ukraine bị đẩy lùi từng mét đất, từng ngôi làng.
Ông Chmut cũng cảnh báo về khả năng Nga tập trung lực lượng tấn công vào các thành phố lớn như Zaporizhia, Kherson, Dnipro và Kharkov. Mặc dù tình hình hiện tại chưa có mối đe dọa trực tiếp, nhưng ông kêu gọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với các tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, ông Chmut nhấn mạnh rằng sự hỗn loạn trong nội bộ Ukraine là một trong những yếu tố làm suy yếu năng lực phòng thủ.
Một số sĩ quan chưa có kỹ năng chỉ huy hiệu quả nhưng vẫn đảm nhận các vị trí cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng điều hành và hiệu quả chiến đấu.
Ông cũng chỉ ra rằng nỗi lo ngại của các sĩ quan quân đội trong việc báo cáo sự thật lên cấp trên đã làm gia tăng sai lệch trong thông tin chiến trường. Điều này khiến các quyết định quan trọng bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng ứng phó của quân đội trước các mối đe dọa.
Ông Chmut chỉ trích các nước NATO vì sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Ông cảnh báo rằng, nếu không có sự giúp đỡ quyết đoán từ các đồng minh, Ukraine có thể phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài với những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ xung đột đóng băng, không có lợi cho Kiev.
Ông Chmut nhận định rằng năm tới có thể chứng kiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Ukraine cần củng cố vị thế của mình trên chiến trường để đạt được một thỏa thuận có lợi, đồng thời cần sự hỗ trợ liên tục từ cộng đồng quốc tế.
Theo: Dân Trí